13/12/09

Sửa chữa ĐTDĐ Tp.HCM: Những câu chuyện vui buồn

Chỉ khoảng 30 phút trong một lần ngồi chờ người quen làm việc trong 1 trung tâm bảo hành của 1 nhãn hiệu điện thoại di động lớn (vì lý do tế nhị người viết tạm không nêu tên), người viết bài đã được chứng kiến nhiều nhiều chuyện phản cảm trong công tác bảo hành thiết bị, chăm sóc khách hàng.

Một thanh niên từ tỉnh ngoài TP.HCM đến để bảo hành chiếc điện thoại bị hết pin quá nhanh nhưng trung tâm bảo hành đã hết pin thay thế nên phải chờ vài ngày. Trong khi đó, một khách hàng khác bị hỏng thiết bị sạc pin, chị này cũng được hẹn vài ngày nữa hẵng đến do trung tâm bảo hành không còn hàng thay thế.


Cả 2 người này đều không đồng tình và tỏ ra rất thất vọng, bởi họ không biết chính xác cụ thể là ngày nào trung tâm này mới có hàng thay thế.


Cũng tại trung tâm bảo hành nói trên, một khách hàng trẻ tuổi đến sửa điện thoại, đa năng vừa nghe nhạc vừa có thể nhắn tin hoặc làm những việc khác, nhưng hiện tại không hoạt động "đa nhiệm" được nữa. Sau khi nghe chủ nhân kể "bệnh tình" của chiếc máy, 1 nhân viên của trung tâm bảo hành phán ngay: "Đâu có làm vậy được, nghe nhạc là chỉ có nghe nhạc". Khổ chủ thanh minh rằng, vài ngày trước vẫn làm được.


Sau 1 hồi suy nghĩ nhân viên này gọi 1 nhân viên khác ra, và cuối cùng nhân viên thứ 2 mới công nhận là chiếc máy bị hỏng phần mềm. Trong trường hợp này, nếu không nói cứng, thì coi như chiếc máy không hề bị gì và trung tâm bảo hành hết trách nhiệm dù thực tế là nó đã hỏng.


Như vậy, có thể hiểu là khách hàng không bị từ chối bảo hành nhưng chỉ được trung tâm bảo hành thông báo đã hết linh kiện hoặc phụ kiện thay thế thì cũng phải chịu.



Cảnh xếp hàng chờ đợi vài tiếng đồng hồ tại một số trung tâm bảo hành điện thoai di động của một trong những nhãn hiệu điện thoại di động hàng đầu thế giới là điều mà lâu nay báo chí đã nhắc đến nhiều vẫn tiếp tục diễn ra. Dạo quanh các trung tâm bảo hành của nhà sản xuất này chúng tôi mới thấy việc giờ đây nếu mua 1 chiếc điện thoai di động dễ dàng bao nhiêu thì việc đi bảo hành, sửa chữa chính chiếc điện thoai di động đó lại khó bấy nhiêu. Không chỉ xếp hàng, mà một số trung tâm bảo hành còn không làm việc vào buổi trưa, nếu bạn lỡ xếp hàng mà chưa đến lượt nhưng đã đến giờ nghỉ trưa của nhân viên thì rất có thể bạn sẽ bị mời về, chiều đến... xếp hàng tiếp.


Trong khi đó, với một số người dùng Việt Nam, khi mua ĐTDĐ ở nước ngoài, thường tin tưởng vào việc người bán hàng cho biết một sản phẩm nào đó được bảo hành toàn cầu, và được cung cấp thẻ bảo hành toàn cầu hẳn hoi, nhưng đến khi mang về Việt Nam nếu điện thoại có bị trục trặc họ cũng chỉ được sửa chữa với mức phí ngang với các sản phẩm “xách tay” đang được bán rộng rãi trên thị trường. Tại Việt Nam, trong ngành điện thoại di động gần như không có khái niệm “bảo hành toàn cầu”.


Ngay cả Vertu, nhãn hiệu điện thoại di động sang trọng bậc nhất, dù có chế độ bản hành toàn cầu nhưng đại lý của Vertu tại Việt Nam cũng chỉ tiếp nhận bảo hành ở mức độ “ngoài bảo hành” nghĩa là chi phí cao hơn nhiều lần so với máy được mua chính thức tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, ở thời điểm toàn cầu hóa như hiện nay, chế độ “cát cứ” trong bảo hành tại Việt Nam hoàn toàn không có lợi cho người dùng cũng như cho chính các nhà sản xuất mà chỉ có lợi cho các trung tâm bảo hành và các nhà phân phối chính thức.


Cạnh trang bằng sự thay đổi.


An Ba – công ty bảo hành điện thoại di động cho nhãn hiệu Sony Ericsson, i-Mobile, doanh nghiệp này đang triển khai hệ thống xếp hàng bằng tin nhắn, người dùng chỉ việc gửi tin nhắn đến trung tâm bảo hành để đăng ký, điều đó sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho những ai cần bảo hành, sửa chữa điện thoại di động. Một trong những dịch vụ khác sắp được An Ba triển khai dành cho khách hàng là có thể nhắn tin để biết điện thoại di động của họ đã được sửa chữa đến khâu nào, chi tiết nào và xong vào thời điểm nào để chủ động trong công việc cũng như thời gian. Những thay đổi này giúp khách hàng không phải xếp hàng và chủ động thời gian hơn cho việc sửa chữa hoặc bảo hành điện thoai.

Cũng tại trung tâm sửa chữa bảo hành An Ba, chủ doanh nghiệp này cho biết, họ đang tiếp nhận cả những sản phẩm không thuộc phạm vi bảo hành, ngoài thời gian bảo hành... với mức giá rất thấp, không giống như hoàn cảnh “bên trọng, bên khinh” như trước đây đối với những khách hàng không thuộc dạng bảo hành hoặc qua thời hạn bảo hành ở nhiều trung tâm bảo hành khác trên toàn quốc.


Đây là một trong những đổi mới rất đáng chú ý trên thị trường điện thoại di động Việt Nam hiện nay. Chính vì những đổi mới này mà dù là trung tâm bảo hành sửa chữa điện thoại lớn xong khi đến trung tâm bảo hành của An Ba chúng tôi không thấy cảnh xếp hàng ngồi chờ.


Ở khía cạnh khác, suốt thời gian dài trong nhiều năm qua, chỉ người dùng mua sản phẩm được phân phối chính thức tại Việt Nam mới được tiếp nhận bảo hành, sửa chữa. Mỗi sản phẩm được bán chính thức thường được cấp thẻ bảo hành, khi cần thiết người dùng mang thẻ này đến các trung tâm bảo hành để “làm việc”.


Việc này ít nhiều đã có những phiền toái, ví như nếu chẳng may người dùng làm thất lạc thẻ bảo hành, hoặc chẳng may điện thoại bị hỏng khi người dùng đang trên đường đi công tác, du lịch... không thể quay về nhà để lấy thẻ bảo hành v.v... thì sẽ khó lòng được các trung tâm bảo hành tiếp nhận.


Thời gian gần đây, người dùng bắt đầu thấy được một số điểm mới trong dịch vụ bảo hành, sửa chữa điện thoại di động tại Việt Nam. Khái niệm “bảo hành điện tử” đã được nhắc đến nhiều sau khi Samsung công bố thay thẻ bảo hành bằng dịch vụ nhắn tin 6060.


Với hình thức bảo hành mới này, khách hàng không còn phải lo lắng về việc bảo quản cũng như mang theo thẻ bảo hành khi cần dịch vụ bảo hành, sửa chữa điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam. Theo thông báo mới nhất của Samsung, trong năm 2009, hãng này sẽ thiết lập 35 trung tâm bảo hành trên toàn quốc thay vì 11 trung tâm đang có hiện nay.


Khi gặp giám đốc tiếp thị của 1 nhãn hiệu điện thoại di động mới nổi tại thị trường Việt Nam, chúng tôi hỏi vì sao nhãn hiệu điện thoại di động đó đang đi xuống, anh này trả lời: khâu hỗ trợ khách hàng, bảo hành, sửa chữa kém quá, chúng tôi đang phải xây dựng khâu này. Nói điều đó để cho thấy, thực tế, khâu bảo hành và sửa chữa quan trọng đối với 1 nhãn hiệu điện thoại di động như thế nào!

Theo xahoithongtin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét